Cơ khí Việt Nam: Để thoát chuyện 'xây nhà trên cát' - THIEN SON ITT CO.,LTD
Cơ khí Việt Nam: Để thoát chuyện ‘xây nhà trên cát’

Ngành cơ khí trong nước được dự báo từ nay đến năm 2030 có thể đạt dung lượng thị trường hơn 300 tỷ USD.

Song hiện cơ khí Việt Nam mới chỉ đủ năng lực đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sản phẩm trong nước. Xây dựng và phát triển ngành cơ khí trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh, chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực… đang được ví như câu chuyện “xây nhà trên cát”.

Chú thích ảnh
Công ty cổ phần tự động hóa PMTT với 3 cơ sở tại Hà Nội chuyên gia công các sản phẩm cơ khí, cơ khí chính xác, thiết kế chế tạo máy, tự động hóa dây chuyền sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cơ khí công nghiệp. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Nâng cao năng lực doanh nghiệp

Theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần là hơn 1.465.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Cùng đó, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành cao và gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, điều này là do các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tính liên kết còn hạn chế; yếu tố tạo lập thị trường, liên kết vùng, nhân sự, lao động… vẫn còn yếu.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày;…, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; cùng đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững.

Điều này đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa năng lực của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, tăng tính liên kết cùng phát triển trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp nổi lên mạnh mẽ trong ngành cơ khí, ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco… tuy nhiên, họ vẫn coi cơ khí là phụ trợ. Trong tương lai xa, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.

Cùng quan điểm này, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chia sẻ, phải coi cơ khí là ngành cốt lõi trong các ngành công nghiệp, từ việc lựa chọn ngành nghề trọng điểm, các doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ cơ khí ngành đó, tạo sức mạnh từ gốc rễ để phát triển và cạnh tranh với quốc tế. Có thể kể đến các phân ngành Việt Nam phát triển tốt như cơ khí thủy công, điện, xe máy và linh kiện, cơ khí gia dụng và dụng cụ, sản xuất nông nghiệp và mới đây là ô tô… Các phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành cơ khí cả nước.

Cần chiến lược và chính sách dài hạn để tập trung phát triển các ngành Việt Nam có thế mạnh, cạnh tranh với quốc tế; trong đó có các giải pháp về nâng cao năng lực doanh nghiệp, tạo thị trường và tạo liên kết từ các trung tâm hỗ trợ công nghiệp…, ông Long cho hay. 

Đón sóng hội nhập

Chú thích ảnh
Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn-Samco (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất, lắp ráp ôtô từ 28 đến 80 chỗ. Ảnh minh họa: An Hiếu/TTXVN

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Với xu hướng nhiều nước sẽ chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, nhiều dòng vốn nước ngoài FDI sẽ trực tiếp đổ vào, đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp cơ khí trong nước nâng cao năng lực sản xuất, bứt phá.

Ông Nguyễn Đức Cường cho hay, năm 2021 vẫn là một năm đầy thử thách, nhưng cũng có nhiều điểm khả quan, như về tăng trưởng kinh tế dương, ngăn chặn dịch bệnh rất tốt, giúp thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là điểm mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, công ty trong nước. Nếu doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nắm bắt các cơ hội đó, thì có thể nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.  

Ngoài ra, ông Cường cho rằng, năm 2021 sẽ là năm của “gạn đục khơi trong”. Những công ty nào có đường hướng, kết nối với nhau và kế hoạch dài hạn với cơ chế quản trị tốt sẽ tồn tại và phát triển. Còn doanh nghiệp nào vẫn làm ăn mang tính chộp giật, thiếu bài bản sẽ rất khó tồn tại. Đây sẽ là thời điểm thanh lọc và làm cho nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh trong sạch hơn rất nhiều.

Theo ông Đào Phan Long, trong năm 2021, những doanh nghiệp sản xuất sẽ là những doanh nghiệp có nhiều cơ hội, bởi nhiều đơn hàng, nhà đầu tư chuyển hướng sang Việt Nam. Muốn đón được cơ hội này, các doanh nghiệp phải chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu, các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh.

“Điều này buộc các doanh nghiệp phải liên kết mạnh mẽ hơn, những doanh nghiệp còn nhỏ, yếu về vốn, trình độ phải biết ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, công nghệ và đơn hàng”, ông Long cho hay.

Trên thực tế, ngành cơ khí chế tạo thời gian qua luôn được Đảng và nhà nước xác định là ngành công nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đánh giá thấp vai trò của ngành này với lý do đây là thời đại phát triển công nghệ số, phần mềm, công nghiệp không khói… Từ đó, các doanh nghiệp cơ khí nội địa cũng phải tự vận động theo luật thị trường mà không nhất thiết phải có vai trò hỗ trợ từ phía nhà nước.

Ông Đào Phan Long cho rằng, nhận định như vậy là không đúng và thiếu thực tế nếu nhìn sang các nước phát triển và trong khu vực. Chính phủ những nước này đều đã và đang thực hiện hết sức bài bản, rốt ráo, tập trung phát triển ngành cơ khí không chỉ thông qua hệ thống chính sách, ưu đãi tài chính mà còn bằng những biện pháp bảo vệ thị trường trong nước rất chặt chẽ.

Ngoài việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam cũng dự kiến triển khai nhiều dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 – 2030, đường sắt tốc độ cao, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… Do đó, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các doanh nghiệp trong nước. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải xác định mục tiêu là ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam sẽ tham gia bao nhiêu phần trăm giá trị xây lắp, chế tạo và sau các dự án này sẽ nâng tầm của ngành cơ khí chế tạo. Đó là những cơ hội lớn mà ngành cơ khí chế tạo Việt Nam không thể bỏ lỡ.

Việt Nam cũng nên tập trung lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại. Đơn cử như ngành dầu khí nên đầu tư làm giàn khoan biển, đóng tàu chở dầu cỡ lớn, ngành khoáng sản đầu tư sản xuất máy khai thác quặng, tuyển khoáng… Nếu được quyết tâm, sâu sát, chỉ đạo, ngành cơ khí chế tạo trong nước của Việt Nam cũng sẽ có những bước phát triển đột phá.

Tạ Nguyên (TTXVN)
‘Cuộc chiến’ đầu tư điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc
27
Tháng 09

Bị giảm lợi nhuận vì trợ cấp kết thúc, các nhà phát triển điện gió ngoài khơi Trung Quốc còn phải đua hạ giá đấu thầu để giành dự án. Vào 2021, Trung Quốc vượt qua Anh thành nước có công suất điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Đây là kết quả các […]

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang bỏ xa đối thủ từ Mỹ, Đức… trong lĩnh vực hàng trăm tỷ USD
27
Tháng 09

Nhiều công ty lớn nhất của Mỹ đang có khoảng cách lớn với các đối thủ Trung Quốc trong cuộc đua năng lượng tái tạo. Bloomberg đưa tin, các doanh nghiệp Trung Quốc đang “bỏ xa” những công ty lớn nhất của Mỹ trong cuộc đua kiếm tiền từ năng lượng tái tạo như năng […]

Cần thiết xây dựng Luật Cấp, thoát nước
27
Tháng 09

Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát. Theo Bộ Xây dựng, nước sạch là một loại […]