'Cuộc chiến' đầu tư điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc - THIEN SON ITT CO.,LTD
‘Cuộc chiến’ đầu tư điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc

Bị giảm lợi nhuận vì trợ cấp kết thúc, các nhà phát triển điện gió ngoài khơi Trung Quốc còn phải đua hạ giá đấu thầu để giành dự án.

Vào 2021, Trung Quốc vượt qua Anh thành nước có công suất điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Đây là kết quả các ưu đãi của chính phủ nước này trong giai đoạn 2014-2021. Cụ thể, theo chính sách do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, điện gió ngoài khơi bán lên lưới có giá cao hơn so với các nguồn khác.

Trong khi, các mục tiêu bắt buộc về năng lượng tái tạo quốc gia khiến các công ty điện không thể chọn mua điện than rẻ hơn mọi lúc. Chính sách này được thiết kế để tăng tỷ suất lợi nhuận cho các trang trại gió ngoài khơi, nơi có chi phí vận hành cao hơn cả nhà máy điện than và trang trại gió trên bờ. Nó áp dụng cho từng dự án điện gió trong 20 năm.

Cơ cấu công suất điện gió ngoài khơi thế giớiTính đến 2022Trung QuốcTrung QuốcAnhAnhĐứcĐứcHà LanHà LanĐan MạchĐan MạchCác nơi khácCác nơi khácVnExpress | Global Wind Energy Council

Tuy nhiên, ưu đãi kết thúc từ cuối năm 2021. Các dự án phát triển mới từ đầu năm nay phải bán điện với mức giá tương đương với các nhà máy điện than. Kết quả là công suất gió ngoài khơi mới được lắp đặt đã giảm gần 65% vào năm 2022, theo số liệu của Hiệp hội Năng lượng gió Trung Quốc (CWEA).

Tuy nhiên, nhiều địa phương ven biển Trung Quốc có nền kinh tế phát triển nhưng vẫn dựa vào nguồn điện nhập khẩu từ nơi khác. Do đó, điện gió ngoài khơi được xem là giải pháp có thể giúp họ chủ động củng cố an ninh năng lượng. Các trang trại gió ngoài khơi cũng mang lại cơ hội việc làm do tính chất quy mô lớn.

Vì vậy, để kích thích các dự án, các tỉnh như Quảng Đông, Sơn Đông và Chiết Giang đã công bố chính sách trợ cấp địa phương để thay thế cho chính sách trợ cấp toàn quốc đã kết thúc. Ví dụ, Quảng Đông hỗ trợ tiền mặt 1.500 nhân dân tệ (206 USD) cho mỗi kilowatt (KW) điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, hỗ trợ giảm dần xuống 1.000 và 500 nhân dân tệ mỗi KW vào năm 2023 và 2024.

Wang Yuchao, Phó tổng giám đốc của một công ty điện gió ngoài khơi thuộc CGN New Energy nói rằng trợ cấp rất quan trọng với dự án Jiazi công suất 900.000 KW của họ. “Dự án nhận 1.500 nhân dân tệ cho mỗi KW trợ cấp của tỉnh, tương đương với việc tiết kiệm 1,35 tỷ nhân dân tệ, tức gần 10% tổng chi phí”, Wang nói.

Nhưng các chuyên gia cho rằng tác động của trợ cấp cấp tỉnh bị hạn chế bởi quy mô nhỏ. Chen Xiangyu, chuyên gia phân tích năng lượng gió tại BloombergNEF, nói rằng Chiết Giang chi 0,03 nhân dân tệ mỗi KWh cho năng lượng gió ngoài khơi vào 2022 và giảm còn 0,015 nhân dân tệ mỗi KWh năm nay.

“Các khoản trợ cấp quốc gia cung cấp cho các trang trại điện gió ngoài khơi khoảng 0,4 nhân dân tệ mỗi KWh. Trong khi trợ cấp cấp tỉnh của Chiết Giang chỉ bằng 3% đến 7% mức quốc gia. Do đó, các khoản trợ cấp của tỉnh không mang lại kích thích rõ ràng”, ông Chen nhận xét.

Cuộc chiến đấu thầu khốc liệt

Lợi nhuận của các công ty điện gió giảm không chỉ vì trợ cấp quốc gia chấm dứt và trợ cấp địa phương mỏng mà còn bởi cuộc chiến giành hợp đồng thầu các dự án điện gió ngoài khơi.

Quy trình đấu thầu nhiều tỉnh nhằm đánh giá một loạt tiêu chí của các nhà đầu tư, nhưng kết quả thường được quyết định bởi mức giá mà họ có thể bán cho lưới điện. Điều này đã gây ra sự cạnh tranh khốc liệt và chứng kiến các công ty đưa ra báo giá bán điện thấp một cách phi thực tế.

Trong một trường hợp cực đoan, liên danh China Huaneng và Fujian Investment & Development đã giành được quyền xây dựng một trang trại gió ngoài khơi Phúc Kiến vào tháng 7/2022 với đề nghị bán điện với giá 0,193 nhân dân tệ mỗi KWh, bằng một nửa giá điện than và là mức giá thấp nhất từng có ở Trung Quốc.

Tổng thư ký CWEA Qin Haiyan cho rằng sự cạnh tranh “phi lý” và “độc hại” như vậy thường xảy ra do các công ty muốn thắng thầu “bằng bất cứ giá nào”. Theo ông, giá trúng thầu là tín hiệu sai lệch và không phản ánh đúng chi phí sản xuất.

Một tháng sau khi trúng thầu, liên danh đã hủy bỏ hợp đồng không nêu lý do. Dự án thuộc về á quân là liên danh của CGN Wind Energy và China Resources, cũng đã đưa ra mức giá thấp hơn điện than. Nhưng hồi tháng 6/2023, họ tuyên bố ngừng tìm nhà cung cấp cho dự án mà không giải thích.

Qin cho biết hầu hết nhà phát triển điện gió đều là các doanh nghiệp nhà nước (SOE). “Trong khi đưa ra quyết định đầu tư, họ dễ bị thúc đẩy bởi những lợi ích ngắn hạn, chẳng hạn như chiếm đoạt tài nguyên và đạt được mục tiêu, đồng thời không xem xét đến tính kinh tế, an toàn và tính khả thi của dự án”, ông nói.

Một trong những mục tiêu được Qin đề cập là về năng lượng tái tạo được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước giao cho tất cả SOE vào cuối năm 2021. Các SOE được yêu cầu đảm bảo hơn một nửa tổng công suất phát điện sẽ là các nguồn tái tạo vào năm 2025.

Đấu thầu khốc liệt cũng tác động nghiêm trọng đến các nhà cung cấp, khiến lợi nhuận giảm sâu. Ví dụ, các nhà sản xuất tuabin gió ngoài khơi hiện đưa ra mức giá khoảng 3.000 nhân dân tệ mỗi KW trong quá trình đấu thầu, so với trung bình 7.000 nhân dân tệ vào 2020.

Giám đốc điều hành một nhà sản xuất nói với giá thầu siêu thấp, các nhà phát triển dự án sẽ chuyển áp lực cho các nhà cung cấp thượng nguồn. Theo người này, việc chọn con đường cạnh trạnh giá thấp nhất là “không có lợi” cho sự phát triển của ngành năng lượng gió tại Trung Quốc.

Kích thích đổi mới sáng tạo

Nhưng cuộc chiến giá cũng thúc đẩy các nhà sản xuất tuabin tăng cường đổi mới sáng tạo. Ví dụ, dự án Jiazi ban đầu thiết kế mỗi tuabin công suất 5,5 megawatt (MW). Nhưng họ đã nâng lên 6,45 MW và 8 MW nhằm tiết kiệm chi phí. Yao Yuan, Giám đốc tiếp thị ngành năng lượng mới tại Schneider Electric cho biết từ 2012 đến 2022, công suất trung bình của một tuabin gió ngoài khơi đã tăng từ dưới 3 MW lên hơn 7 MW.

Cuộc chiến đầu tư điện gió ngoài khơi ở Trung Quốc

Tuabin gió 16 MW lớn nhất thế giới được lắp đặt ngoài khơi Phúc Kiến ngày 28/6. Ảnh: Xinhua

Yao cho rằng sử dụng tuabin gió có công suất lớn hơn là hướng đi tất yếu vì chúng có thể tiết kiệm chi phí lắp đặt và bảo trì. Trong một dự án phát triển gần đây, trang trại gió ngoài khơi Phúc Kiến đã gây chú ý sau khi lắp đặt tháp tuabin gió công suất lớn nhất thế giới.

Nó được phát triển bởi Xinjiang Goldwind Science & Technology, công suất 16 MW và được tạo thành từ các cánh quạt dài 123 mét. Zhang Long, Tổng giám đốc dự án tuyên bố những cánh quạt khổng lồ của nó chỉ cần quay một vòng tròn để tạo ra đủ điện cho một gia đình ba người dùng cả tuần.

Khi công suất tuabin gió ngày càng lớn, chúng cũng được lắp đặt xa bờ hơn. Nhà sản xuất tuabin Mingyang Smart Energy có kế hoạch lắp tuabia nổi công suất 18 MW trên bề mặt đại dương thay vì bắt cố định xuống đáy biển như truyền thống.

Chủ tịch kiêm Giám Zhang Qiying cho biết giải pháp sẽ giúp Trung Quốc khai thác năng lượng gió ở những vùng xa xôi hơn. “Trước đây, chúng ta có rất ít dự án phát triển kinh tế ở vùng biển sâu. Bây giờ, chúng ta phải phát triển năng lượng gió cách bờ biển 100 km”,Qin nói.

Theo cách nhìn của những người như Qin, càng lớn là càng tốt. “Khi đã lên tới một đỉnh một ngọn núi cao 1.000 m, bạn sẽ nghĩ đến việc leo lên đỉnh núi cao 2.000 m. Cuối cùng, điều bạn muốn là chinh phục đỉnh Everest. Bây giờ, 20 MW và 30 MW là đỉnh Everest của chúng tôi”, ông nói.

Đến nay, nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu của Trung Quốc, với công suất lắp đặt tích lũy đạt 1.120 GW vào cuối năm ngoái, thấp hơn một chút so với tất cả các nguồn tái tạo cộng lại. Trong khi đó, công suất phát điện gió đã tăng nhanh trong thập kỷ qua, nhưng công suất điện gió ngoài khơi vẫn còn nhỏ so với trên đất liền và chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng công suất điện của quốc gia.

Tính đến tháng 6 /2023, tổng công suất lắp đặt điện gió ở Trung Quốc là 390 GW, với hơn 90% là từ các nguồn trên đất liền. Tuy nhiên, công suất điện gió ngoài khơi của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025, tăng từ 30,5 GW vào cuối năm 2022 lên hơn 60 GW.

Phiên An (theo Caixin)

Nguồn: https://vnexpress.net/cuoc-chien-dau-tu-dien-gio-ngoai-khoi-o-trung-quoc-4647959.html

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang bỏ xa đối thủ từ Mỹ, Đức… trong lĩnh vực hàng trăm tỷ USD
27
Tháng 09

Nhiều công ty lớn nhất của Mỹ đang có khoảng cách lớn với các đối thủ Trung Quốc trong cuộc đua năng lượng tái tạo. Bloomberg đưa tin, các doanh nghiệp Trung Quốc đang “bỏ xa” những công ty lớn nhất của Mỹ trong cuộc đua kiếm tiền từ năng lượng tái tạo như năng […]

Cần thiết xây dựng Luật Cấp, thoát nước
27
Tháng 09

Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước và bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch của người dân, quyền xả thải có kiểm soát. Theo Bộ Xây dựng, nước sạch là một loại […]

Có chính sách hỗ trợ cho ngành cơ khí phát triển
27
Tháng 09

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo như vậy tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí VN, tổ chức sáng 11.4 ở Hà Nội.   Tại hội nghị, Bộ Công thương cho biết theo chiến lược thì đến năm 2010, sản phẩm cơ khí phải […]